Cổ tục Tục thờ hổ ở Việt Nam

Lễ vật cúng hổ
Lễ vật cúng hổ thường thấy gồm thịt lợn (nạc vai) và những quả trứng (gà, vịt)

Tiền Giang, từ khi thành lập làng Mỹ Điền có tục chỉ cử đến chức Hương chủ, còn chức Hương cả thì nhường cho chúa sơn lâm, gọi là "Cả Cọp". Không ai dám bạo gan lãnh chức vụ này, vì lo sợ sẽ bị cọp vật chết. Dân làng Mỹ Điền có lập ngôi miếu thờ "Cả Cọp", mỗi đầu nhiệm kỳ phải làm lễ dâng lên một tờ cử hương chức. Hằng năm đến lệ cúng phải làm heo và kiến cho "ông Cả" một bộ thủ vĩ (đầu heo)[65]. Dinh Ông ở xã An Thạnh thuộc huyện Bến Lức tỉnh Long An vẫn còn dấu tích việc bầu cọp làm Cả, đó là cái am nhỏ bằng lá mà người ta gọi là Dinh Ông nằm bên bờ con rạch tên là rạch Dinh[13].

Bến Tre, từ khi lập làng theo tục truyền, hễ ai được cử làm Hương Cả đều bị bệnh chết. Do đó, suốt nhiều năm, không ai dám nhận chức ấy. Một năm nọ, có người can đảm nhận chức Cả thì liền bị cọp vồ suýt mất mạng. Từ đó, hương chức trong làng bàn nhau, cử cọp làm Đại Hương Cả. Hàng năm, làng đều phải làm lễ cử "Cả Cọp", cúng một đầu heo quay và viết một tờ cử, cuộn tròn, để trong một ống tre đặt ở hốc đá, nơi cọp đã vồ ông Cả. Đúng lệ, năm nào, cọp cũng về ăn đầu heo và đổi tờ cử cũ lấy tờ cử mới. Về sau, sáu bảy năm liền, cọp không về, có một người mới dám nhận chức Hương Cả trở lại.

Đình An Hiệp ở Bến Tre được xây dựng để thờ hổ vì có công với dân làng Đình xây xong, dân làng bầu một người làm chức Cả để quán xuyến việc làng, nhưng những người được bầu vào vị trí này đều đổ bệnh chết và mỗi lần các bô lão họp bàn, dân làng đều trông thấy cọp lảng vảng ngoài sân đình. Các bô lão bèn thử bầu cọp làm hương cả. Người giải quyết việc làng chỉ làm chức phó cả. Từ đó, mọi chuyện trở nên êm thấm. Từ khi được bầu làm "Ông Cả", thỉnh thoảng, cọp bắt heo rừng, nai đem đến "gửi" trước nhà những người nghèo.

Giai thoại làng còn kể rằng, hàng năm đến lệ cúng kỳ yên vào đêm rằm tháng 6 âm lịch, dân làng đều cúng đầu heo. Bên cạnh đầu heo là tờ sớ. Sáng ra, chiếc đầu heo và tờ sớ biến mất, tờ sớ mới của lệ cúng năm nay biến mất, thay vào đó là tờ sớ của lệ cúng năm trước. Đến năm Tự Đức thứ 5 (1852), họ Đặng dâng sớ về triều đình, vua Tự Đức hạ chỉ phong sắc, chuẩn y tên làng là Sơn An và Thần hoàng Bổn cảnh vẫn là "Cả Cọp"[69].

Ở Làng Châu Bình, Bến Tre cử người nào vào chức Hương Cả thì đều bị bệnh hoặc ông "Ba Mươi" sát hại, nên chức này phải nhường chức này cho Cả Cọp. Dân làng làng chọn ngày lành tháng tốt làm lễ mời ông Cả về nhận chức: tờ cử cùng lễ vật như heo, gà, hoa quả và rượu. Nhưng ông chỉ nhận đầu heo và tờ cử. Năm nào ông Cả "nhậm" rượu của làng dâng cúng ắt năm đó mùa màng trúng mùa to. Sau khi Cả Cọp mất đi, dân mới bầu Cả Non, rồi Cả Tiết. Hiện nay, tại Cầu Bà Bồi, ấp 3 thuộc xã Châu Bình còn lăng thờ Cả Cọp. Hằng năm vào ngày mồng 7 tháng Giêng có lễ cúng Khai sơn và mồng 10 tháng 5 âm lịch có lễ cúng ông Cả.

Ở làng Hòa Tú, Sóc Trăng, từ xưa khi dựng chùa, lập miễu thờ Thành Hoàng ở giữa làng, việc cai quản và giữ gìn an ninh trật tự trong làng là trách nhiệm của Ban hội tề gồm mười hai vị hương chức, đứng đầu là chức Hương Cả. Nhưng Hương Cả đầu tiên của làng chỉ tại chức được vài ba tháng thì trong nhà xảy ra nhiều tai họa, bản thân lâm bệnh rồi chết, người kế vị chức Hương Cả cũng chỉ tại chức trong thời gian ngắn rồi lâm nạn và qua đời, rồi thứ ba được cử lên cũng không tránh khỏi số phận vị tiền nhiệm, Ban hội tề trong làng suốt ba năm liền không có người đứng đầu.

Vùng đất hoang dã này có nhiều cọp sinh sống, khi dân làng đến khai khẩn, chúng bỏ vào sống trong khu rừng sâu, chỉ còn lại con cọp ba chân sống quanh quẩn ở bìa rừng, không hại người nên người cũng không săn đuổi nó. Các vị lão làng quyết định cử ông cọp ba chân vào chức Hương Cả. Một ngôi miếu nhỏ trang hoàng theo hình thức tôn thờ vị thần nhỏ được dựng lên phía sau miếu Thành Hoàng. Nhân lễ cầu an trong làng, Ban hội tề làm lễ khánh thành ngôi miếu ông Hổ đồng thời tổ chức lễ "tấn phong" ông Hổ lên chức Hương Cả. Trong nhiều năm liền, từ ngày ông Hổ về nhận chức Hương cả, mưa thuận gió hòa, cuộc sống của dân làng ngày càng khấm khá lên khiến tất cả dân làng đều đặt niềm tin vào sự linh thiêng của ông Cả Hổ.

Hàng năm, dân làng vùng Mô Xoài của Vũng Tàu phải làm lễ Bầu Ông và dâng cúng cho công Cả cọp một cái thủ vĩ và dân tờ cử chức Hương Cả, trong làng, hội đồng kỳ mục chỉ bầu đến chức hương chủ còn hương cả là chức vụ cao nhất phải dành cho cọp, nguyên nhân do cọp ở vùng Mô Xoài quấy nhiễu dân chúng dữ dội, nhiều đình làng hiện nay ở Bà Rịa Vũng Tàu vẫn còn miếu thờ ông Cả Cọp. Hàng năm đều phải cúng thần hổ các vật phẩm gồm trà rượu, nhang đèn, thịt heo sống và trứng gà, theo lệ thì cứ ba năm cúng một lần[59].

Cổ tục cúng hổ với niềm tin hổ sẽ nhận lễ và phù hộ cho may mắn

Tín ngưỡng thờ thần hổ là một trong những tín ngưỡng dân gian của người dân đến khai hoang, định cư trên vùng đất Bình Phước còn lưu giữ đến ngày nay. Những năm trước 1870 trong các làng xã ở Bình Phước hội đồng kỳ mục chỉ được cử đến chức hương chủ, còn chức hương cả là chức vụ cao nhất đứng đầu của làng phải dành cho hổ. Đến những năm 1870-1880 tập tục này không còn duy trì[56][55].

Chính từ tín ngưỡng thờ hổ như linh thú ở Bình Phước mà tập tục xưa đã để lại trong làng xã rằng hội đồng kỳ mục chỉ được cử đến chức Hương Chủ, còn chức Hương Cả là chức vụ cao nhất đứng đầu của làng phải dành cho Cọp. Dân làng phải làm lễ bầu Ông rồi cúng cho ông Cả Cọp một cái thủ vị và dâng tờ cử chức Hương Cả. Mãi đến khoảng gần cuối thế kỷ XIX, tục lệ này mới được bãi bỏ[56].

Miếu thờ Thần Hổ ở ấp Phước Lai, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, trước đây có miếu thờ thần Hổ. Vào ngày 19 tháng 4 âm lịch hằng năm, dân làng cúng thần Hổ. Lễ vật cúng thần Hổ gồm mấy lá sớ gói trong giấy hồng (gọi là hồng đơn) và một thủ dĩ (đầu heo) để sống. Sau khi trình cúng tại miếu, dân làng đem lễ vật lên một ngã ba hay ngã tư phía rừng để đó.

Nếu qua đêm hôm sau, thủ dĩ mất, tờ các sớ mới viết mất mà có tờ sớ cũ (của năm trước cúng) bỏ lại trong mâm thì dân làng tin thần Hổ chấp nhận lễ cúng và về nhận tờ sớ mới. Nếu còn thì dân làng đem đầu heo về luộc cúng ba cho đủ ba ngày đêm mà lễ vật còn để nguyên thì xem như thần Hổ không nhận. Sớ phải đốt đi và thủ dĩ phải đem chôn. Việc cúng lễ vật tại bàn thờ thần Hổ trong đình. Nếu lễ vật còn thì sớ phải đốt đi, đầu heo thì ông từ giữ đình hưởng[17].

Cổ tục Bầu Ông hiện còn bảo lưu ở đình Bình Thọ, quận Thủ Đức tại đây, tại đình Bình Thọ hiện có đàn thờ Bạch Hổ đặt ở bên phải trước sân đình để xác định nơi tổ chức lễ Bầu Ông của đình làng Bình Thọ hàng năm, nơi đây còn có Văn tế Chúa Sơn lâm Mãnh hổ chi thần để xướng lên trong lễ Bầu Ông. Bên cạnh đó, Miếu thờ Bạch hổ đường Bến Phú Định, Quận 8 có lệ cúng hàng năm vẫn còn tục Bầu Ông nhưng chưa bài bản như ở Bình Thọ. Tập tục Bầu Ông là lễ thức riêng của đình Bình Thọ và các đình khác tại Thành phố không có, mặc dù các đình khác có miếu hay đàn thờ "Sơn quân".

Lễ Bầu Ông ở đình Bình Thọ được tổ chức đúng vào lúc 0 giờ khuya ngày 15 rạng ngày 16 tháng 2 âm lịch hàng năm, tức đêm trước ngày tổ chức Đại lễ Kỳ yên của đình. Đây là một lễ thức trang nghiêm và quy củ có tính chất điển lệ chứ không phải là hình thức thực hành nghi lễ dân gian, lễ vật chu đáo (một con heo sống, một cỗ xôi trắng) với nghi thức tế lễ do học trò lễ thực hiện, có nhạc lễ tấu, theo lời xướng đọc nghi thức lễ bái, dâng lễ vật của viên chấp sự. Tục Bầu Ông ở Bình Thọ có một bản văn tế chữ Hán được khắc trên gỗ cất giữ ở chùa Linh Sơn gần đình và mỗi khi tế lễ lại được in ra để xướng đọc và đốt đi.

Điều này có khác với tập tục ở nơi khác, ở chỗ thay vì văn tế là một văn bản đựng trong cái ống tre gọi là "Tờ cử", có nội dung rằng dân làng đồng lòng cử ông Cọp làm Hương cả. Mỗi năm, cứ đúng lệ, ông Cọp ra nhận lễ vật cùng "tờ cử" mới và trả lại "tờ cử" cũ. Nghi thức của lễ Bầu Ông ở đình Bình Thọ đã được nâng cấp theo điển lệ tế tự chính thống Nho giáo, chứ không dừng lại ở hình thức cúng lễ các thần linh dân gian. Điều này cũng chỉ ra tầm mức quan trọng của tín ngưỡng thờ cọp đối với cộng đồng cư dân ở đây, đặc biệt là được bảo lưu khá lâu dài so với các địa phương khác; theo đó, tuồng như tín lý thờ cọp cũng biến đổi theo thời gian, chứ không phải được bảo thủ nguyên vẹn[61].

Theo ghi chép trong bài Văn tế cổ truyền được xướng đọc trong lễ Bầu Ông thì Thần Hổ được gọi là "Chúa Sơn lâm Mãnh hổ chi thần" trong khi đó trên bài vị ở đàn thờ lại đắp nổi hai chữ Hán: "Bạch hổ" với phù điêu ở tấm hậu chẩm đắp nổi hình hổ trắng đứng ở góc trái (từ trước nhìn vào) trên bối cảnh "sơn lâm". Danh hiệu ghi trong văn tế thuộc tín lý truyền thống phổ biến trong tín ngưỡng thờ hổ ở Nam Bộ cũng như Bình Thọ: "Sơn quân chi thần" hay gọi tắt "Sơn quân" (như ở đình Trường Thọ, kế bên đình Bình Thọ), "Sơn lâm Hổ lang chi thần", "Mãnh hổ Đại tướng quân", "Lý Nhĩ Đại tướng quân", "Sơn quân Mãnh hổ Lý Nhĩ chi thần"[61].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tục thờ hổ ở Việt Nam http://www.doisongphapluat.com/doi-song/truyen-thu... http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/chuyen-tho-h... http://vannghetiengiang.thotre.com/news/Nghien-cuu... http://www.baodanang.vn/channel/6059/201303/ong-ba... http://baotayninh.vn/chuyen-ve-mieu-ong-ho-va-cay-... http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong... http://www.baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/201... http://cadn.com.vn/news/64_154821_ly-ky-chuye-n-sa... http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/H... http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/N...